Ni cô Trăng Tinh Tấn: ‘Đi tu vui và lành lắm!’
Ngọc Lan/Người Việt
LÀNG MAI, Pháp (NV) – Dù biết ý nguyện xuất gia của Hoa Phạm từ hơn một năm trước, thế nhưng khi nhìn hình ảnh cô đăng trên Facebook ngày cô chính thức trở thành ni cô Trăng Tinh Tấn tại Làng Mai ở Pháp, tôi vẫn cảm thấy có điều gì đó ngỡ ngàng, lạ lẫm.
Bởi lẽ, Hoa, sinh năm 1990, định cư ở Hòa Lan từ hơn 10 năm trước, từng là một cô gái được nhiều người biết đến, như một trong thành viên còn rất trẻ biết dấn thân vào con đường đấu tranh cho dân quyền dân chủ tại Việt Nam. Ước mơ được đi đây đó, khám phá những điều mới lạ cũng là điều tôi nhìn thấy ở Hoa khi dõi theo bước chân cô qua nhiều quốc gia, kể cả đến Orange County năm 2010, ngồi trong tòa soạn Nhật Báo Người Việt để cùng reo hò với mọi người khi xem World Cup.
Nhiều câu hỏi quan tâm lẫn “tò mò” của tôi, một người quen, cũng là một nhà báo, liên quan đến suy nghĩ “thì ra đi tu đâu chỉ để trốn đời” đã được Hoa Phạm, giờ là ni cô Trăng Tinh Tấn, giải đáp qua cuộc phỏng vấn sau đây.
Hoa Phạm (giữa) chính thức trở thành ni cô Trăng Tinh Tấn tại Làng Mai, Pháp vào ngày 18 Tháng Mười Hai, 2014. (Hình: Facebook Chân Trăng Tinh Tấn) |
****
Ngọc Lan (NV): Suy nghĩ đi tu đến với Hoa từ lúc nào? Và sự suy nghĩ đó đã diễn biến như thế nào cho đến lúc Hoa thực sự trở thành ni cô?
Hoa Phạm (Trăng Tinh Tấn): Em xuất gia ngày 18 tháng 12 năm 2014 ở Làng Mai, Pháp. Thầy đặt cho em pháp tự là Trăng Tinh Tấn.
Ý nghĩ về con đường không có khổ đau mà chỉ có tình yêu thương tới với em lúc em còn là đứa bé 4 hay 5 tuổi. Khi đó trong gia đình có ba mẹ sống chung không được hạnh phúc, ba mẹ tranh cãi rất nhiều. Em chứng kiến cảnh sống chung không bình an ấy của ba mẹ đã thấy người lớn sao nhiều đau khổ quá. Em khóc rất nhiều và mỗi lần khóc như vậy, em có cầu nguyện với Bụt và Bồ Tát: “Con xin Bụt và Bồ Tát cho con được xuất gia”.
Hồi đó em còn bé quá nên chưa hiểu tại sao em có thói quen cầu nguyện xin đi xuất gia mỗi khi em thấy có nhiều khổ đau trong cuộc sống. Và hồi đó em cũng chưa biết xuất gia mang ý nghĩa gì, cuộc sống của người tu sĩ như thế nào. Em chỉ ý thức là em rất thích vẻ đẹp của bức tượng Bụt Thích Ca Mâu Ni ở trong ngồi chùa gần nhà. Bức tượng Bụt Thích Ca Mâu Ni cho em cảm giác rất thân thuộc, Bụt như là một người cha.
Tuy từ khi 4 tuổi em đã có ý nguyện xuất gia và mong cầu đi tìm “một lối sống khác” (tức là không lập gia đình, không làm đẹp bên ngoài, được sống tự do không phải cạnh tranh, không theo những khuôn sáo xã hội mà vẫn có hạnh phúc) nhưng mãi 20 năm sau em mới ý thức và hiểu tại sao em mang ý nguyện đó.
Sau khi tốt nghiệp phổ thông em không chọn học tiếp đại học vì em thấy em chưa sẵn sàng chấp nhận cuộc sống mà người thường đang sống. Em đi tìm một lối sống phù hợp với trực giác của em. May mắn lắm, trong một chuyến đi du lịch em “tình cờ” gặp được một giáo sư gợi ý cho em về con đường tâm linh. Ông nói em cần có nơi nương tựa tâm linh nữa thì em sẽ phát triển toàn diện. Về tới nhà em mua rất nhiều sách Đạo Bụt để đọc và quả thực em tìm thấy con đường mà em đi tìm cầu bấy lâu.
Đời sống của người xuất gia hoàn toàn phù hợp với nguyện ước của em về một lối sống em muốn sống. Bây giờ em hiểu đó là do em “hữu nghiệp” và “hữu duyên” đối với Đạo Bụt. Em rất hạnh phúc khi tìm thấy được con đường này – con đường của Từ Bi và Trí Tuệ mà Thầy Làng Mai (Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh) gọi đó là con đường của Hiểu và Thương.
Hoa Phạm trong những ngày tập sự ở Làng Mai, Pháp. (Hình: Facebook Chân Trăng Tinh Tấn) |
NV: Quá trình từ một người phàm trở thành một ni cô diễn ra qua các điều kiện như thế nào?
Trăng Tinh Tấn: Quá trình từ một cư sĩ trở thành một vị xuất sĩ đi qua nhiều sự kiện lắm mà trong nhà Bụt thường gọi đó là nhân duyên và nghiệp báo. Có những khó khăn, thử thách, có những thuận lợi, có chướng duyên và có thuận duyên xảy ra nối tiếp. Tùy vào duyên của mỗi người.
Khi sự kiện đi qua rồi em mới dám cười, chứ trong lúc nó đang xảy ra cũng “vất vả” và khóc thầm mỗi đêm nhiều lắm. Rồi bây giờ nhìn lại quá khứ, em thấy khó khăn cũng chính là điều kiện để cho em tu thêm vững chãi và kiểm tra Bồ Đề tâm (chí nguyện hướng về hạnh phúc hay tình thương) của tự thân có kiên cố không.
Giờ đây em cũng “bớt sợ” khó khăn rồi. Thầy Làng Mai thường dặn đệ tử là Bồ Đề tâm phải đạt tới 200% thì hãy xuất gia và đừng sợ khổ đau, vì “khổ đau từng nuôi ta lớn lên. Không có bùn làm sao có sen.” Em muốn nhắn lại với các bạn trẻ đang hoặc sẽ phát nguyện xuất gia là đừng sợ khó khăn trên con đường tu! Tu phải trải qua khó khăn thì nó mới vui.
Còn nếu chỉ nói về những thủ tục và điều kiện xin xuất gia và nhập Chúng tu sĩ thì rất đơn giản: ta tìm tới thực tập cùng một chúng Tăng hoặc Ni và viết thư thỉnh cầu xin xuất gia. Chúng xuất sĩ chấp nhận thư thỉnh cầu và người thỉnh cầu sẽ ở lại tập sự từ ba tháng đến một năm. Tập sự có nghĩa là tập làm quen và thích ứng với nếp sống của người tu.
NV: Cho đến giờ phút này, giai đoạn nào là khó khăn nhất với Hoa, kể từ lúc Hoa có ý nghĩ đi tu? Vì sao?
Trăng Tinh Tấn: Cho đến bây giờ, giai đoạn khó khăn nhất đối với em là giai đoạn đi tìm Thầy và tìm Tăng thân thích hợp để nương tựa và phát triển. Chưa xuất gia em còn lo sợ về tương lai, làm sao tìm được một vị Thầy phù hợp với mình, người Thầy có từ bi và trí tuệ. Sự thực tập tâm linh cần có một vị đạo sư thiện trí thức hướng dẫn và một Tăng thân có tình thương và có sự an lạc yểm trợ. Chọn không khéo thì đi sẽ không bao giờ tới. Nó ở ngay trước mắt, nó ở ngay bên trong mà chưa bao giờ thấy.
NV: Gia đình, bạn bè nói gì khi biết ý định đi tu của Hoa?
Trăng Tinh Tấn: Em có mẹ và hai anh trai. Anh trai ủng hộ em, nhưng mẹ do chưa hiểu ý nghĩa đích thực của cuộc sống xuất gia nên mẹ không vui khi em chọn con đường xuất gia. Mẹ muốn em sống như bao người khác: tốt nghiệp đại học, có việc làm, lập gia đình. Em không thích như thế. Em muốn chủ động chọn con đường và lẽ sống cho chính bản thân.
Còn bạn bè cũng có người hiểu về Bụt, có người chưa hiểu. Người đã hiểu thì ủng hộ em. Người chưa hiểu thì có tri giác rằng người tu hành trốn tránh cuộc đời, đi tìm yên tịnh cho riêng cá nhân thế là ích kỷ. Em thì thấy con đường theo lời Bụt dạy và chính Bụt cũng đã sống theo như thế và có vô số những nhà sư, những cư sĩ đã sống theo như thế và họ trở thành những bậc trí thức, đức độ trong cuộc đời. Đến lượt em được trực tiếp thử nghiệm và khám phá thì em cũng thừa nhận đây là con đường chân thực nhất, thiện nhất và đẹp nhất.
Hoa Phạm-Ni cô Trăng Tinh Tấn những ngày còn tham gia vào phong trào nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. (Hình: Facebook Chân Trăng Tinh Tấn) |
NV: Đời sống hiện tại của một ni cô khác thế nào so với lúc Hoa còn là một cô gái thích đi đây đó?
Trăng Tinh Tấn: Sự khác biệt giữa đời sống người tu với đời sống người thường thì mênh mông lắm. Khác biệt từ hình thức bên ngoài cho tới sâu thẳm nơi tâm thức. Từ cách nghĩ, nói, thương, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, thở. Nói tổng quát là sự khác biệt là có tỉnh thức và không tỉnh thức về những hành động của thân, khẩu, ý, có chánh niệm hay không chánh niệm trong phút giây hiện tại.
Trước đây em không tỉnh thức về hành động, lời nói và suy nghĩ của em là thiện hay bất thiện, có làm khổ đau cho người khác và cho cả chính bản thân không. Đi tu em giữ cho có tỉnh thức trong nhiều hành động, lời nói và tâm hành (tức các suy nghĩ, cảm xúc, tâm trạng xảy ra trong tâm). Đáng nhẽ phải có tỉnh thức trong tất cả mọi hành động nhưng em mới xuất gia có ba tháng, em còn thiếu vững chãi nhiều.
Trước xuất gia em thường đi du lịch. Em thích đi lắm, em đi nhiều. Gia đình và bạn bè nói đùa rằng “chân cô này là chân đi.” Em không thích ở một nơi.
Vào chùa, em được chỉ dạy và huấn luyện phương pháp “hiện pháp lạc trú”, tức là tập cho tâm chấp nhận và hoan hỷ với những điều kiện đang sẵn có ngay trong giây phút hiện tại mà không chạy đi tìm cầu ở nơi khác, ở trong quá khứ hay tương lai. Nhưng thực tế, là người tu rồi em vẫn… đi và đi còn nhiều hơn xưa. Vui lắm, như đi khóa tu ở trong nước Pháp và ngoài nước Pháp, hoặc là đi… chạy xe đón kháck, đi chợ vì em phụ làm tri khố trong chùa, đi chơi viễn ngoại cùng đại chúng sau mỗi khóa tu.
Đối với em cuộc sống người tu rất hạnh phúc, thong dong và thảnh thơi.
NV: Hoa có thể giới thiệu một chút về bản thân không?
Trăng Tinh Tấn: Em định cư ở Hòa Lan trên 10 năm rồi. Năm 2013 em mới biết tới Đạo Tràng Mai Thôn của Thầy Thích Nhất Hạnh ở miền Nam nước Pháp, gần xịt Hòa Lan luôn. Một năm trước xuất gia em có theo học ngành Business IT ở đại học. Sau năm đầu tiên thì em thấy học như thế không mang cho em hạnh phúc nên em bỏ để đi xuất gia vì em thích lý tưởng xuất gia hơn. Cho tới bây giờ em vẫn thấy đó là quyết định sáng suốt.
Sở thích cũ thì em có nhiều lắm, toàn những sở thích không “thiền vị” chút nào, như coi phim hành động và science-fiction của Hollywood, thích ăn dim-sum, đi du lịch, sử dụng Internet, quan tâm tới chính trị, xã hội.
“Thích coi phim hành động, thích ăn dim-sum, đi du lịch, sử dụng Internet, quan tâm tới chính trị, xã hội” từng là sở thích trước khi Hoa Phạm trở thành ni cô Trăng Tinh Tấn. (Hình: Facebook Chân Trăng Tinh Tấn) |
Có một thời gian suốt 7 năm em có quan tâm và có một chút tham gia vào phong trào nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam. Trước tình trạng của đất nước bấy giờ và cả bây giờ nữa khiến ước muốn của một người trẻ muốn làm điều gì đó có ý nghĩa, có thể giúp được cho đất nước cháy bỏng lắm.
Bây giờ lửa vẫn còn cháy, nhưng cháy âm ỉ, không cháy bùng. Em đọc được những cuốn sách của thầy Nhất Hạnh, như Tuổi Trẻ Tình Yêu và Lý Tưởng, Nói Với Người Xuất Gia Trẻ, Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, Đạo Bụt Đi Vào Cuộc Sống, Giận, Quyền Lực Đích Thực, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, càng nuôi dưỡng cho tâm nguyện xuất gia của em mạnh hơn và Thầy còn mở thêm cho em một con đường mới để giúp đất nước đi lên nữa.
Em nhớ hoài một bài pháp thoại của Thầy. Thầy đã nói: “Đi tu ta có thể báo hiếu cho gia đình huyết thống, cho đất nước, cho dân tộc sâu sắc hơn. Người tu không đóng góp cho xã hội trên phương diện kỹ thuật, chính trị, kinh tế mà đóng góp cho xã hội trên phương diện đạo đức và tâm linh. Người tu có trách nhiệm giữ gìn giá trị đạo đức cho xã hội.”
Cho đến bây giờ em hài lòng và thấy rất hạnh phúc với những gì em được chỉ dạy và được sống ở Làng Mai. Thay vì học những lý thuyết, phản biện, lý luận, khái niệm, phương pháp cạnh tranh, tranh luận, … thì ở trong chùa em được học và thực tập ôm ấp khổ đau và chuyển hóa, thực tập tha thứ, yêu thương, hòa giải, đó là những hiểu biết mà ở bên ngoài em không được dạy, không được thực tập và không được sống.
Em tìm được Thầy Làng Mai, em tìm được đại chúng Tăng Ni ở đây và em thấy pháp môn Đạo Tràng Mai Thôn ở đây phù hợp với thế hệ trẻ thời đại bây giờ. Ở đây có chơi, có tu, có học, có làm. Điều em thích nhất là người tu trẻ được đi ngay vào cuộc đời để giúp mọi người. Rất nhiều người trẻ Tây phương, Đông phương về thực tập theo phương pháp Làng Mai.
NV: Cám ơn Hoa về những tâm tình này. Mến chúc ni cô Trăng Tinh Tấn ngày càng cảm thấy được sự bình an, thanh thản và vui trọn vẹn trong sự lựa chọn của mình.