Tài liệu tu học trong buổi tụng giới Chúa nhật, 8/12/2012
Bài tụng 6
Phẩm chất của hạt giống
Giá trị một đời người
Tùy thuộc vào phẩm chất
Mọi hạt giống đang nằm
Trong chiều sâu tâm thức.
Đời sống một người có giá trị hay không, có hạnh phúc hay đau khổ, đều tùy thuộc vào phẩm chất của những hạt giống trong tâm thức. Muốn hiểu được một người nào, ta cần nhìn vào phẩm chất các hạt giống trong người đó. Tuy nhiên ta cần nhớ: người đó không phải là cá nhân duy nhất chịu trách nhiệm về những hạt giống của đời họ. Cha mẹ, ông bà, tổ tiên, xã hội đều chịu trách nhiệm. Thấy được điều đó rồi, chúng ta không còn đổ hết trách nhiệm cho người kia nữa, mà chúng ta thương được họ.
Chúng ta hiểu rằng bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân của tổ tiên, học đường và xã hội trong quá khứ. Vì vậy khi muốn giúp đỡ, muốn vạch ra một đường lối tu học cho một người thì phải nhìn sâu để thấy cho được những hạt giống chìm sâu trong tiềm thức người đó. Như vậy gọi là quán cơ. Quán cơ là nhìn vào những hạt giống ở trong một người. Công việc của một giáo thọ, một vị thầy là biết quán chiếu cho sâu để thấy rõ những hạt giống trong tàng thức học trò, để có thể hành xử, hướng dẫn trò cho thành công.
Cách thức tu học trước hết là gieo trồng, tưới tẩm những hạt giống tươi mát tốt đẹp, những hạt giống mà lâu nay không ai động tới, không ai tưới tẩm. Sau nữa là nhận diện những hạt giống không đẹp, những hạt giống khổ đau và tìm cách chuyển hóa những hạt giống khổ đau đó.
Một tăng thân đích thực là một tăng thân trong đó mỗi cá nhân đều có con mắt quán cơ, đều có khả năng nhận diện được những hạt giống vui khổ của từng bạn tu của mình. Từ đó mà biết cách chạm vào những hạt giống tốt để tưới tẩm, để làm cho chúng lớn lên và tránh không đụng vào các hạt giống khổ đau, đợi khi thấy người kia vững chãi rồi mới tìm cách giúp họ chuyển hóa. Đó là thái độ của một người thiện tri thức. Đó là công trình tu học. Sự thành công là ở khả năng thấy được, tưới tẩm được. Dưới ánh sáng của đạo Bụt hạt giống của hạnh phúc, của giác ngộ đều đã có sẵn trong mỗi người.
Con người là tổng thể của nghiệp.
Bài tụng thứ 6 này nhắc chúng ta nhớ tới một câu nói của triết gia người Pháp Jean-Paul Sartre (1905-1980): “Con người là tổng thể của tất cả những hành động của mình” (l’homme est la somme de ses actes). Danh từ Phật học gọi hành động là nghiệp (karma). Khi hành động đó là một nguyên nhân thì gọi là nghiệp nhân (karma-hetu), khi hành động đưa tới một kết quả thì đó là nghiệp quả (karma-phala).
Có ba loại nghiệp:
Ý nghiệp (hành động bằng tư tưởng). Ví dụ tư tưởng phá thai hay ý niệm giết người. Tuy chưa phá thai, chưa giết người, chỉ mới có tư tưởng, chỉ mới có ý nghiệp thôi là vũ trụ đã bị rung chuyển rồi.
Thân nghiệp (hành động của thân). Giết hại, đánh đập, làm hại hoặc làm chuyện gì giúp người khác là các thân nghiệp.
Khẩu nghiệp (hành động bằng lời nói): Nói làm người khác đau khổ hay nói để tưới tẩm thương yêu hạnh phúc đều là khẩu nghiệp.
Bất cứ thân nghiệp, khẩu nghiệp hay ý nghiệp, nghiệp nào cũng đều gieo hạt giống vào tàng thức cả. Nghiệp nhân hay nghiệp quả đều hoàn toàn nằm trong tàng thức, đều được giữ gìn nguyên vẹn và duy trì trong tàng thức. Chúng không bị mất mát đi đâu hết.
Điều thứ năm trong năm điều tâm niệm mà các thầy, các sư cô luôn luôn ghi nhớ là:”Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, miệng và ý của tôi tạo nên, và những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này.” Khi chết nghĩa là khi chuyển từ hình thái sinh mạng này sang hình thái sinh mạng khác. Chúng ta sẽ phải bỏ tất cả những người chúng ta thương hoặc ghét, bỏ hết tài sản, của cải, sự nghiệp. Chỉ có nghiệp của chúng ta đi theo ta mà thôi. Nghiệp nhân kéo theo nghiệp quả. Thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp đều trở về trạng thái hạt giống và sẽ được tàng thức giữ gìn để đi theo chúng ta sang hình thái sinh mạng mới.
Trong tiến trình cải thiện các hành nghiệp, phép thực tập thứ nhất trong Tứ Chánh Cần[2] khiến ta ngăn ngừa để những hạt giống bất thiện không biểu hiện ra. Nếu tưới tẩm những hạt giống bất thiện, chúng sẽ biểu hiện ra và lớn lên. Nhưng khi ta bao bọc chúng bằng chánh niệm, thì sớm muộn các hạt giống bất thiện đó cũng nhỏ đi và chỉ ẩn trong tàng thức mà không hay hiện hành ra nữa.
Phép thực tập thứ hai trong Tứ Chánh Cần là giúp đưa các hạt giống bất thiện đang biểu hiện sớm trở về tàng thức. Chánh niệm cũng là yếu tố chính. Khi nhận biết được các hạt giống bất thiện đang hiện hành trên ý thức, thì ta sẽ không bị chúng chỉ huy.
Phép thực tập thứ ba trong Tứ Chánh Cần là tìm cách tưới tẩm các hạt giống thiện để chúng từ tàng thức hiện hành lên trên ý thức. Và thứ tư là: khi đã có các tâm sở thiện đang hiện hành thì tìm cách giữ chúng trong ý thức càng lâu càng hay.
Thực tập Tứ Chánh Cần được nuôi dưỡng bằng những niềm vui. Khi chúng ta tưới tẩm các hạt giống hạnh phúc, thương yêu, trung kiên và hòa giải mỗi ngày, chúng ta sẽ cảm thấy sung sướng, và niềm vui đó sẽ khích lệ các hạt giống hạnh phúc mạnh hơn, hiện hành lâu hơn.
Chuyện kể Bụt có lần hỏi tăng sĩ Sona:
“Trước khi xuất gia, thầy là nhạc sĩ phải không?” Sona đáp phải.
Bụt hỏi tiếp:
“Khi dây đàn quá trùng (quá lỏng) thì có chuyện gì xảy ra?
“Khi dây đàn quá trùng, thì gảy không ra tiếng”
“Vậy còn khi dây đàn quá căng?”
“Thưa, dây sẽ đứt”
Bụt dạy:
“Tu tập cũng vậy. Giữ gìn sức khỏe, sống an lạc. Đừng quá cố gắng để làm những gì mà ta không thể làm.”
Muốn thực tập cho có kết quả, chúng ta phải biết các giới hạn của cơ thể ta, và tìm được quân bình giữa sự gắng sức và nghỉ ngơi. Đừng buộc mình phải cố gắng thái quá. Tu tập phải đem lại sự thoải mái, an vui và có tính cách trị liệu. Đồng thời ta cũng cẩn thận đừng buông thả quá, nhất là để bị lôi cuốn về vật chất. Thực tập Tứ Chánh Cần là trung đạo, con đường trung dung giữa hai thái cực đó.
http://www.thuvien-thichnhathanh.org/index.php/sach/132-duy-biu-hc/926-dbh-chng-01-tang-thc?start=6