Tài liệu tu học trong buổi tụng giới Chúa nhật, 5/12/13
DUY BIỂU HỌC
CẢNH và LƯỢNG
CẢNH hay Trần (Sắc -thanh-hương-vị-xúc-pháp), là các đối tượng của Căn (Nhãn-nhĩ-tỷ-thiệt-thân-ý), khi có đủ duyên,thì nó làm cho Thức phát sinh.
Có ba loại Cảnh:
1. Tánh cảnh: Đối tượng phát sinh Thức trực tiếp, không có suy luận – Giây phút/sát na đầu tiên ngũ căn tiếp xúc với các đối tượng đều là Tánh Cảnh. Năm thức đầu phát sinh ra những nhận thức trực tiếp, không sai lầm. Đó là cảnh giới của thực tánh. Nhưng chỉ một vài sát na sau, ý thức nhảy vô – nên các thức chỉ còn biết tới đới chất cảnh – không còn là tánh cảnh (thực tại). Đối tượng biểu hiện trong thức của ta rất khác với tánh cảnh.
– Vô chất tánh cảnh: Thức thấu hiểu chân bản chất của sự vật ~ Chỉ các bậc Giác ngộ, có Vô lậu trí mới nhận thức các đối tượng như Vô chất tánh cảnh.
– Hữu chất tánh cảnh: Hiểu bản chất sự vật một cách giới hạn
2. Đới chất cảnh: Tâm thức nương theo tánh cảnh mà tạo ra một hình ảnh khác với thực chất sự vật và cho đó là thực tại, gọi là đới chất cảnh (representation). Đới chất cảnh là hình ảnh méo mó về thực tại, là một cảnh giới mang theo một chút ít bản chất của tánh cảnh nhưng không phải là tánh cảnh. Cảnh được nhận thức một cách lệch lạc vì căn thứ 6 (Ý~ Manas) có bản chất là vô mính. Đới chất cảnh là đối tượng của các thức (trừ Alaya), nhất là của Ý thức.
– Chân đới chất: đối tượng của ý thức là một hiện tượng tâm lý. Khi ta Giận, mà suy luận về cái giận – là ta dùng ý thức nắm lấy một hiện tượng tâm lý Giận (giận mà biết mình giận).
– Tợ đới chất – Giận mà không biết mình giận, cảnh ta nhận thức được không đúng với thực tại, nhưng ta cứ nghĩ đó là bản chất sự vật.
Chúng ta nghĩ là chúng ta biết núi Pyrénées. Có thể là chúng ta có thấy vài tấm hình hay đã leo núi Pyrénées vài giờ. Thật ra núi Pyrénées khác hơn nhiều, phong phú hơn nhiều. ũng vậy, người mà chúng ta thương hay ghét không phải là con người có thực trong cuộc sống mà là người do chúng ta tạo ra. Hình ảnh về người đó trong tâm thức chúng ta có thể rất khác với bản chất thực của người đó. Nhận thức sai lầm về người đó gọi là đới chất cảnh. Đới chất cảnh thường gây ra nhiều khổ đau.
Trong đời sống hằng ngày, những nhận thức, những ước mơ, những thương ghét của chúng ta đều có đối tượng là đới chất cảnh. Chúng ta thù ghét, mê đắm những hình ảnh mà chúng ta tự tạo ra trong tâm chứ không phải chúng ta thù ghét, mê đắm thế giới thực tại. Đôi khi mang tâm niệm hận thù trong suốt ba bốn mươi năm mà chỉ hận thù những hình ảnh do chính mình tạo ra mà thôi. Bụt cũng vậy. Bụt trong chúng ta là Bụt tự thân hay là Bụt của thế giới đới chất? Chúng ta đã đạt tới con người đích thực của Bụt chưa? Hay là chúng ta chỉ sáng tạo ra một hình ảnh của Bụt bằng một số tài liệu mà ta gom góp được trong kinh điển hay qua những điều nghe nói về Bụt. Hình ảnh về Bụt của ta hôm nay có thể thay đổi và gần với Bụt tự thân hơn là hình ảnh của Bụt mà ta có trước đây năm mười năm. Tuy nhiên hình ảnh mới nhất về Bụt ngày nay vẫn còn mang nặng tính đới chất như thường. Đôi khi chúng ta có những hình ảnh rất sai lầm về Bụt, về cha mẹ ta, anh chị em ta, đồng bào ta, những sự vật đang bao quanh ta và chúng ta sống trong thế giới của đới chất cảnh mà cứ đinh ninh rằng đó là thế giới của thực tại, thế giới của những vật tự thân (The world of things in themselves – le monde des choses en soi).
3. Độc ảnh cảnh: Là các cảnh không do các căn tiếp nhận mà do sự phục hồi các ảnh tượng trong ý thức hay A lại gia thức.
Độc ảnh cảnh (mere images) là thế giới trong đó chỉ có hình ảnh mà thôi. Thế giới trong giấc mơ là thế giới độc ảnh. Trong giấc mơ ( do hoạt động của Alaya, chúng ta thấy những người thân, những người lạ, những chuyện vui, những chuyện buồn. Trong giấc mơ chúng ta cũng khóc, cũng cười, cũng buồn, cũng giận và vững tin rằng những cái đó có thật cho đến khi thức dậy mới biết rằng thế giới mà chúng ta vừa đi qua là thế giới của độc ảnh. Nhưng không phải chúng ta chỉ tiếp xúc với thế giới độc ảnh trong giấc mơ. Đôi khi chúng ta cũng tiếp xúc với thế giới độc ảnh trong khi thức. Nếu ta nhắm mắt lại và hình dung hình ảnh của một người mà ta đã từng gặp cách đây hai mươi năm thì hình ảnh người đó thuộc về thế giới độc ảnh.
– Độc ảnh hữu chất (sự phục hồi các ảnh tượng ít thay đổi, đã có sẵn trong tâm, do 6 thức đầu thu nhận/giữ dưới hình thức chủng tử)
– Độc ảnh vô chất = sản phẩm hoàn toàn do tưởng tưởng/sáng tạo của ý thức, dựa vào hình ảnh, âm thanh…sẵn có, nhưng có thêm chất sáng tạo (thí dụ mơ thấy tiên, voi có cánh)
Nói tóm lại, trong thức A-lại-gia có rất nhiều hạt giống trong đó có những hạt giống của đối tượng nhận thức thuộc cả ba thế giới tánh cảnh, thế giới đới chất và thế giới độc ảnh. Khi ta nhắm mắt lại và hình dung ra tháp Eiffel thì hình ảnh tháp Eiffel trong ta là độc ảnh. Đứng trước tháp Eiffel thì trong ta lúc đó có hình ảnh Eiffel của thế giới đới chất. Còn tánh cảnh của tháp Eiffel thì chưa chắc ta đạt được. Điều mà chúng ta biết chắc là các hình tượng của đới chất cảnh và độc ảnh cảnh có nương tựa, có vay mượn từ thế giới tánh cảnh.
*** Thiền quán là nhìn sâu, nhìn kỹ để đạt tới thực tại. Thực tại trước hết là thực tại bản thân và kế đến là thực tại của thế giới bên ngoài. Trong quá trình đó chúng ta phải buông bỏ những hình bóng do tâm tạo tác. Duy Biểu Học nói rằng chúng ta sống trong thế giới của đới chất cảnh và độc ảnh cảnh nhiều hơn của tánh cảnh. Các hình ảnh mà ta nhận thức theo đới chất hay độc ảnh cảnh, đều có tính cách sai lầm. Tâm thức chúng ta không đạt tới thực tại, chúng ta biến chế thực tại, biến chế ra một hình ảnh mà chúng ta gọi là thực tại và giam hãm chúng ta trong thế giới đó. Nhiều khổ đau khởi lên từ những nhận thức sai lầm đó. Nhờ tu tập và quán chiếu mà càng ngày hình ảnh đới chất càng ngày càng đến gần thực tại tánh cảnh hơn. Năm thức cảm giác (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, và thân thức) có khả năng đạt tới thế giới tánh cảnh, nhất là khi chúng tiếp xúc với sự vật mà không có sự tham dự của ý thức. Khi có thêm các suy nghĩ và tưởng tượng (ý thức tham dự), thì hình ảnh, âm thanh, mùi hương hay vị giác, xúc giác của chúng ta sẽ bị méo mó đi.
Khi nhìn một cái bàn chẳng hạn, chúng ta có cái nhìn đới chất về nó, với nhiều quan niệm sẵn có, tỷ như “bàn” là chỗ chúng ta có thể dùng để đặt đồ vật lên, để ngồi viết… Mấy con mọt thì lại nhìn cái “bàn” là kho thực phẩm của chúng. Dù nhìn cái bàn là nơi chứa đồ hay chỉ là thực phẩm, thì các nhận thức đó cũng không phải là tánh cảnh…Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng ta có thể tiêÙp xúc được với thế giới tánh cảnh – Khi có trực giác mạnh, ta có thể tiếp xúc dược với chân như của thực tại. Trực giác là cái biết, là một hình thức nhận biết không căn cứ vào suy nghĩ hay tưởng tượng.
LƯỢNG :
Hình thái nhận thức gọi là lượng (pramana, mode of cognition). Có ba hình thái nhận thức, gọi là tam lượng:
1. Hiện lượng hay trực giác (pratyaksa pramana, (direct cognition) là hình thái nhận thức trực tiếp của riêng thức thứ tám, một lối nhận thức không suy nghĩ, không so sánh như các thức khác. Ví dụ khi thấy lửa thì biết ngay đó là lửa, không cần suy nghĩ gì cả, giống như trực giác
Hiện lượng là nhận thức của 5 thức đầu (Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thân thức) và Alaya. Mạt na thức cũng có nhận thức trực tiếp nhưng sai lầm vì Chấp Nhã – đó là Tợ hiện lượng hay Tư lượng.
Trong bài tụng số 8 chúng ta nói tới ba cảnh (tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh). Hiện lượng hay trực giác đưa tới tánh cảnh. Tàng thức luôn luôn có nhận thức trực tiếp – các tâm sở biến hành của thức này cũng nhận thức một cách trực tiếp, không qua suy luận. Năm tâm sở đó cũng hành động theo hiện lượng: xúc là trực tiếp xúc, tác ý cũng trực tiếp tác ý, thọ cũng trực tiếp thọ, tưởng, tư cũng trực tiếp tưởng, tư chứ không suy luận. Lý do là vì tâm sở đồng tính chất với tâm vương, tâm sở là nội dung của tâm vương, như những giọt nước là nội dung của dòng sông. Tàng thức cùng các tâm sở biến hành trong nó đều luôn luôn biến chuyển và không bị ngăn che, không có tính thiện ác…(vô phú vô ký, hằng và chuyển).
2. Tỷ lượng (Anumata pramana, perception by inference) là nhận thức đạt được do sự suy nghĩ, sự so sánh. Tỷ là so sánh. Khi thấy khói sau bức tường chúng ta nghĩ rằng sau bức tường làm gì cũng có lửa. Không có tỷ lượng trong tàng thức, mà chỉ có ở ý thức và Mạt-na thức.
3. Phi lượng (Abhava pramana, erroneous perception) Những hiện lượng hay tỷ lượng có khi đúng khi sai. Khi sai thì gọi là phi lượng. Khi thấy khói sau bức tường mà tin chắc là có lửa nhưng té ra là sương mù. Sương mù mà nói lửa là phi lượng. Chúng ta sống với rất nhiều phi lượng mà chúng ta cứ tin chắc là hiện lượng.
Nói tóm lại, thức thứ tám (A-lại-gia hay tàng thức) và cả năm tâm sở biến hành trong nó đều vô phú, vô ký, đều hằng và chuyển (trong chủ thể cũng như đối tượng nhận thức). Không những tàng thức là như vậy mà mỗi hạt giống, mỗi đối tượng, mỗi nhận thức, mỗi tâm sở trong tàng thức cũng như vậy hết. Mỗi hạt giống, mỗi đối tượng, mỗi chủ thể nhận thức giống như những hạt nước trong dòng sông A-lại-gia, chúng đều có các tính chất trên cuả A-lại-gia thức.
Vì có tính cách vô phú, vô ký, hằng và chuyển nên các hạt giống trong tàng thức có thể được chuyển hóa. Mỗi ngày đều là một cơ hội để chuyển đổiø tâm thức mình. Đó là sự chuyển hoá căn bản, thay đổi tận gốc rễõ, bắt đầu từ các hạt giống trong tàng thức, ngay cả khi nó chưa hiện hành.