Tài liệu tu học trong buổi tụng giới Chúa nhật, 4/14/13
Bài tụng 10
Các tâm sở biến hành
Là vô phú, vô ký
Vừa chuyển lại vừa hằng
Tàng thức luôn tương ứng
Năm tâm sở biến hành.
Vô phú, vô ký, chuyển, hằng: Các chữ này nói lên sự khác biệt giữa tàng thức với các thức khác. Vô phú (anivṛta, unobstructed), vô ký (avyākṛta, undetermined), chuyển (changing) và hằng (continuously flowing) là bốn tính chất của tàng thức A-lại-gia.
Vô phú là không bị che lấp, không bị làm cho đen tối. Thức thứ tám A-lại-gia không bao giờ bị che lấp trong khi đó thì thức thứ bảy Mạt Na luôn luôn bị vô minh che lấp.
Vô ký là vô thưởng, vô phạt không phải là thiện hay bất thiện. Mỗi hành động, lời nói hay tư tưởng đều thuộc một trong ba tánh: thiện (kuśala), bất thiện (akuśala) và vô ký. Những hành động làm lợi ích cho mình và cho người là thiện, hành động nào gây hại cho mình và cho người là bất thiện và những hành động nào vô thưởng vô phạt thì gọi là vô ký.
Chuyển là luôn luôn biến chuyển. Hằng là hoạt động một cách liên tục. Tác dụng chính của thức thứ tám là duy trì tất cả mọi hạt giống và hoạt động âm thầm ngày đêm, không bao giờ ngừng. Nhưng hằng không có nghĩa là thường, là không thay đổi. Giống như một dòng sông, vừa chuyển vừa hằng, mới nhìn qua thì tưởng như y nguyên, nhưng “không ai có thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông” như Heraclitus đã nói, vì dòng sông không giống nhau trong hai giây phút liên tục.
Trong bài “Ruột đau chín khúc” có câu “Chúng ta còn đây trong cuộc đời hằng chuyển, sẽ xin đứng bên nhau mà dựng lại quê hương” (Thơ Nhất Hạnh.) Hai danh từ hằng và chuyển diễn tả được thức thứ tám A-lại-gia. Giống như dòng sông, tàng thức hoạt động liên tục và các hạt giống trong đó (cũng gọi là các tâm sở), thì giống như những giọt nước sông, luôn luôn thay đổi, biến chuyển.
Tàng thức tương ứng năm tâm sở biến hành:
Trong 51 tâm sở của tàng thức (mà chúng ta sẽ học sau này,) có 5 tâm sở biến hành: xúc, tác ý, thọ, tưởng và tư – là những tâm sở có mặt trong tất cả tám thức. Nhưng năm tâm sở biến hành đó không giống nhau trong mỗi thức.
Tương ứng là ứng hợp với nhau (samprayukta) Năm tâm sở xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư là năm tâm sở biến hành vì chúng vận hành một cách phổ biến. Mỗi thức có cách làm việc riêng cho nên xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư của tàng thức không giống xúc, tác ý, thọ, tưởng, tư của thức thứ bảy hay thức thứ sáu. Đó là vì hình thái nhận thức của các thức không giống nhau.
Hình thái nhận thức gọi là lượng (pramāṇa, mode of cognition). Có ba hình thái nhận thức, gọi là tam lượng:
1. Hiện lượng (pratyakṣa-pramāṇa, things-in-them-selves) là hình thái nhận thức trực tiếp của riêng thức thứ tám, một lối nhận thức không suy nghĩ, không so sánh như các thức khác. Ví dụ khi thấy lửa thì biết ngay đó là lửa, không cần suy nghĩ gì cả, giống như trực giác (direct cognition)
Trong bài tụng số 8 chúng ta nói tới ba cảnh (tánh cảnh, đới chất cảnh và độc ảnh cảnh). Hiện lượng hay trực giác đưa tới tánh cảnh. Tàng thức luôn luôn có nhận thức trực tiếp – các tâm sở biến hành của thức này cũng nhận thức một cách trực tiếp, không qua suy luận. Năm tâm sở đó cũng hành động theo hiện lượng: xúc là trực tiếp xúc, tác ý cũng trực tiếp tác ý, thọ cũng trực tiếp thọ, tưởng, tư cũng trực tiếp tưởng, tư chứ không suy luận. Lý do là vì tâm sở đồng tính chất với tâm vương, tâm sở là nội dung của tâm vương, như những giọt nước là nội dung của dòng sông. Tàng thức cùng các tâm sở biến hành trong nó đều luôn luôn biến chuyển và không bị ngăn che, không có tính thiện ác… (vô phú vô ký, hằng và chuyển.)
2. Tỷ lượng (anumana-pramāṇa, perception by inference) là nhận thức đạt được do sự suy nghĩ, sự so sánh. Tỷ là so sánh. Khi thấy khói sau bức tường chúng ta nghĩ rằng sau bức tường thế nào cũng có lửa. Tỷ lượng không có ở tàng thức, mà chỉ có ở Ý thức và Mạt-na thức.
3. Phi lượng (abhāva-pramāṇa, erroneous perception.) Những hiện lượng hay tỷ lượng có khi đúng khi sai. Khi sai thì gọi là phi lượng. Khi thấy khói sau bức tường mà tin chắc là có lửa nhưng té ra là sương mù. Sương mù mà nói lửa là phi lượng. Chúng ta sống với rất nhiều phi lượng mà chúng ta cứ tin chắc là hiện lượng.
Nói tóm lại, thức thứ tám (A-lại-gia hay tàng thức) và cả năm tâm sở biến hành trong nó đều vô phú, vô ký, đều hằng và chuyển (trong chủ thể cũng như đối tượng nhận thức). Không những tàng thức là như vậy mà mỗi hạt giống, mỗi đối tượng, mỗi nhận thức, mỗi tâm sở trong tàng thức cũng như vậy hết. Mỗi hạt giống, mỗi đối tượng, mỗi chủ thể nhận thức giống như những hạt nước trong dòng sông A-lại-gia, chúng đều có các tính chất trên của A-lại-gia thức.
Vì có tính cách vô phú, vô ký, hằng và chuyển nên các hạt giống trong tàng thức có thể được chuyển hóa. Mỗi ngày đều là một cơ hội để chuyển đổi tâm thức mình. Đó là sự chuyển hoá căn bản, thay đổi tận gốc rễ, bắt đầu từ các hạt giống trong tàng thức, ngay cả khi nó chưa hiện hành.